Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

TRẦN ĐOÀN-Tiên tri thời nhà Tống


                  TRẦN ĐOÀN-Tiên tri thời nhà Tống
Trần Đoàn* người đời Tống, ở huyện Hào Châu ( nay thuộc Tây Nam huyện Hào, tỉnh An Huy ) tự Đồ Nam, hiệu Hy Di tiên sinh, còn tên hiệu là Phù Dao Tử.
Đầu đời tống nghiên cứu tinh thông Chu Dịch,soạn các sách Chi huyền thiên; Tiên thiên đồ. Tương truyền, ông theo Tăng Văn Sam học được thuật phong thuỷ. Sau đó Trần Đoàn lại truyền cho Ngô Khắc Thành. Ở mãi tỉnh Tứ Xuyên ông có nhiều học trò theo học. Trong sách Phong thuỷ khu nghi của Tống Chử Vịnh có nói: "Ở đất Thục có một trường phái. Gọi đó là trường phái Hy Di tiên sinh được Trần Đoàn truyền cho. Cũng lấy Tý, Hợi là Nước; Tỵ, Ngọ là Lửa...Còn lấy Nhâm là Lửa. Sách của Trần Đoàn mở rộng những tri thức về Bát quái, Tin tức, Âm nhạc, theo núi để định vị trí huyệt táng. Lấy một Quái tượng làm gốc để định luật lã (1), ở trên sinh ra âm thanh, ở dưới cũng phát ra âm thanh. Đại loại dùng Lâm chung (2) cũng như Hoàng chung (3). Năm, tháng, ngày, giờ nào sinh vượng khí thì dùng Quái đó. Giả dụ như quẻ Ích, quẻ Kiền chờ quẻ Đại hữu chẳng hạn. Học thuật của Trần Đoàn lan rộng vùng Đông Xuyên, viết 10 thiên sách về sự ứng dụng của âm luật với Quái. "Hào, có âm, có dương, có tiêu, có phá, có sinh, có hợp" còn Phương pháp xem tướng Đất (4) là do Trần Đoàn sáng tạo, nhờ sự vận dụng học thuyết Dịch Lý. Trần Đoàn là tổ sư của học phái Lý Khí.

Dịch học là nền học vấn tinh thâm, rộng lớn trong văn hoá truyền thống: Trần Đoàn là người đem lý luận Phong thuỷ và Dịch học liên kết chặt chẽ với nhau. Một mặt làm cho Dịch học thẩm thấu sang cả lĩnh vực Phong thuỷ nhuốm màu sắc huyền bí. Mặt khác sự trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ngày càng thêm hỗn loạn, phức tạp. Quả là một điều phi thường mà sự bình sinh rối bét. Mặt khác, theo nhiều thư tịch còn nói rằng Trần Đoàn là vị tổ sư của môn Tử Vi học ngày nay.

Tóm lược, Trần Đoàn** là một nhà Nho tinh thông Nho, Y, Lý, Số, kiêm thuật sỹ, tu tiên, luyện phép trường sinh. Tác phẩm chính yếu của ông gồm 114 thiên về y học, dược học và phương pháp trường sinh học. Ông hay đi vào rừng hái thuốc và luyện tập, thư giãn ở những nơi thông thoáng, mát mẻ, khí trời trong lành. Và thấy chỗ nào sạch đẹp, an toàn, ông thường ngủ ngay tại đó để thư giãn và dưỡng sinh. Có chỗ ông ngủ vài ngày, có chỗ vài tháng, có chỗ vài năm.

Chuyện kể rằng một người tiều phu vào rừng đốn củi, thấy có một xác người nằm trên cỏ bụi và lá cây bám vào, mà người không thối nát, lấy làm lạ, bèn lại gần để xem xét kỹ, thì thấy ông bừng tỉnh dậy nói: "Tôi đang ngủ say, bác đến làm động không khí nên tôi tỉnh dậy, thật tiếc quá"! Hỏi ra thì giấc ngủ này của ông đã được gần 10 năm. Vì vậy có dịp tu dưỡng và gần gũi quan sát thiên nhiên, nên ông tìm ra những quy luật của tự nhiên và sự vận hành của Vũ trụ và quan hệ tới sinh mạng của con người, nên ông lập ra những phương pháp, để hỗ trợ cho nghề y như sô Tử vi, số Tiền định, số Tử bình.v.v...Nhưng vì khiêm tốn, mặc dù nhà Tống mấy lần mời ông ra làm quan, ông đã về kinh đô mấy tháng rồi lại trốn, bỏ đi tu, và để lại thư xin cho ông được tự do ngao du sơn thuỷ.

Không màng danh lợi, ông cũng không nêu tên ông trong những tác phẩm của mình, nhưng người đời sau thông hiểu y, lý và định lý thì nhận ra, hình bóng của ông và ghi nhận rằng ông là tổ sư của khoa số Tử vi .

Vì cách sống ngao du sơn thuỷ của ông nên người ta không rõ được năm sinh và tủôi thọ của ông - Nhưng chắc chắn mọi người biết ông sống từ cuôí triều đại nhà Đường sang đầu triều nhà Tống. Và sách truyện có chép rằng, một lần ông đi chơi xa về, gọi mấy người học trò ở nhà vào bảo hãy khoét ở núi Hoa Sơn một chỗ hình lưng ghế, rồi ông tựa lưng vào đó, tay chống lên đầu gối, đỡ lấy cằm và nói: "Ta hoá ở đây", và ông tắt thở. Tính lại, kể cả những năm ông ngủ ở trong rừng là được 118 năm, nên người đương thời nói ông thọ 118 tuổi.
Kể ra tuổi thọ 118 năm đối với một nhà nho y, chuyên luyện phép trường sinh, kiêm Chiêm tinh lý số, thì không có gì là quá đáng, vì hiện nay trên thế giới có người sống hơn 100 tuổi, số ấy cũng không ít.
Điều đáng ca tụng, Trần Đoàn vốn là người tính tình khiêm tốn, thanh thản, không màng lợi, không màng danh, mà học thức uyên thâm, cao quý đáng làm gương cho hậu thế noi theo.
Sử đời Tống có ghi chép về chuyện Trần Đoàn như sau:

Trần Đoàn tự là Đồ Nam, người Châu Nguyên Hào Châu. Lúc lên bốn năm tuổi, chơi trượt băng ở cạnh hồ nước, có một bà già mặc áo xanh cho bú, từ đó trở đi ngày một thông minh đĩnh ngộ. Lớn lên đọc hết các kinh sử của bách gia chư tử, thuộc làu làu không quên một chỗ nào, nổi tiếng là thuộc rất nhiều thơ phú: Về sau, nhà Đường hưng thịnh thi Tiến sỹ không đỗ, không ham chuyện cầu lộc quan chức, chỉ mải vui chơi cùng non xanh nước biếc. Tự kể rằng đã thường gặp Tôn Quân Phỏng, Bì Xử Sĩ, hai con người đó là bậc cao sỹ trên đời. Đoàn thường nói rằng: "Vũ Đường Sơn, Cửu Thất Nham có thể ẩn cư được". Đoàn đã ẩn tại đấy hơn hai chục năm. Ngày ngày uống rượu. Sau rời đến ở tại Hoa Sơn Vân Đài Quan. Ngài dừng chân tại căn nhà đá núi Thiếu Hoa. Mỗi nơi ngủ, ngài nằm hơn một trăm ngày không dậy.

Chu Thế Tông ham thích thuật hoàng bạch (thuật luyện đan dược) nghe danh tiếng Trần Đoàn hiền đức đã 3 năm, liền sai Hoa Châu vời vào cửa khuyết, lưu giữ trong cấm cung hơn một tháng rồi mới thư thả hỏi về trước thuật. Đoàn trả lời: " Bệ hạ làm chủ cả bốn cõi giang sơn, cai trị cả thần dân trăm họ, còn lưu ý đến cái chuyện hoàng thạch nhảm nhí làm gì ?"
Thế Tông không quở trách mà còn phong cho tước Nghị đại phu Đoàn hết sức từ chối không nhận. Nhà Vua biết Đoàn không có thuật gì khác nên đã thả cho về nơi cũ rồi triệu viên Trưởng lại châu đó đến tra vấn. Sau năm năm giao cho chức vụ, làm Thích sứ Thành Châu, Thế Tông lệnh đem 5 tấn lụa và 30 cân trà thưởng cho Đoàn.
Từ Triều Thái Bình hưng quốc, Di Tông đối đãi với Đoàn rất hậu. Chín năm ở triều một lòng giữ gìn lễ trọng bề trên. Tể tướng Tổng Quan Đẳng nói: " Tấm thân Trần Đoàn trong sạch lương thiện, làm việc không cậy thế tài lộc có thể gọi là bậc cao sỹ được. Đoàn sống ở Hoa Sơn hơn 40 năm....Kế thừa thời Ngũ Đại loạn ly, nay may được hưởng thái bình cũng là nhờ có lời Đoàn triều tấu. Lời nói của Đoàn rất dễ nghe theo. "Bởi theo lời di huấn cuả Đoàn để lại đựơc đưa đến Trung Thư, Kỳ Đẳng ung dung hỏi: "Đạo của Tiên sinh tu dưỡng đã đạt tới cõi sâu sắc huyền vi, có thể đem ra dạy cho con người được không ?" Ngài trả lời :" Đoàn chỉ là kẻ quê mùa sơn dã, vô dụng với thời thế, lại cũng chẳng biết việc thuật hoàng bạch của thần tiên cũng không biết cái lý của sự thô nạp dưỡng sinh, chẳng có phương thuật gì khả dĩ truyền bá cho đơì. Giả như lệnh, cho giữa ban ngày ban mặt mà vọt được lên trời thì phỏng có ích gì cho đời? Ngày nay, Thánh thượng long nhan thanh tú tuyệt vời vẻ ngoài có dáng dấp người trời, hiểu thông kim cổ, giỏi việc trị loạn yên dân, thật quả là bậc minh chủ có đạo Thánh nhân. Đúng là thời Vua tôi hợp tâm đức để ứng hoá việc chính trị, siêng năng hành động tu luyện, không có gì khác với điều này được". Kỳ Đẳng khen là giỏi, đem lời Đoàn tấu lên Vua. Nhà Vua bèn trọng thưởng, hạ chiếu chỉ thưởng hiệu là Hy Di tiên sinh.(Nghe mà không thấy gọi là Hy. Nhìn mà không thấy gọi là Di). Ngoài ra, còn thưởng cho một bộ y phục màu tía, lưu giữ Đoàn ở lại dưới cửa khuyết. Lại lệnh cho xây dựng Vân Đài Quan, cùng lên lầu ngâm vịnh thơ phú suốt mấy tháng trời, mới thả cho Đoàn trở về núi. Một hôm, Đoàn nói với đệ tử là Cổ Đức Thăng Ửng rằng :

"Ngươi có thể đến Trương Siêu Cốc tạc đá làm nhà, ta sẽ đến ở đó. Sau 2 năm, Tháng 7 mùa thu, nhà đá đục xong, Đoàn cầm trên tay nói vắn tắt rằng: "Thần là Trần Đoàn, số lớn đã hết, khó bề lưu luyến với thánh triều được. Vào ngày 22 tháng này, thần sẽ hoá hình ở dưới núi Liên Hoa Phong trong hang Trương Siêu Cốc!" Đúng đến ngày đó thì mất, sau 7 ngày chân tay hãy còn nóng, có đám mây ngũ sắc bay đến phủ kín cả động, suốt tháng không tan.

Trần Đoàn là người ham đọc "Dịch" tay không rời sách, thường tự gọi là Phù Dao tử trước tác bộ Chi huyền thiên gồm 81 chương, dạy cách dưỡng sinh và hoàn đan. Tể tướng Vương Bạc cũng làm ra 81 chương để chú thích. Trần Đoàn lại còn có các tập: Tam phong ngụ ngôn và Cao dương tập; Điếu đàm tập hơn 600 bài thơ. Có thể biết trước ý của người, trong phòng có vỏ quả bầu lớn treo trên tường, đạo sỹ Cổ Hưu muốn lâý, Đoàn đã biết rõ ý nói với Hưu: "Ông tới không có hắn mà lại lấy bầu đi". Đoàn vừa nói vừa kêu kẻ hầu tới đem về. Hưu kinh sợ cho là thần. Có người tên là Quách Hàng, thuở nhỏ sống ở Hoa Âm, đêm ngủ ở Vân Đài Quan. Nửa đêm, Đoàn hô lệnh phải về. Hàng chưa quyết. Hồi lâu lại nói : "Có thể không về à ?" Ngày mai, Hàng về nhà, quả là nửa đêm người mẹ của Hàng bị bệnh đau tim nặng sắp chết cho uống thuốc rồi mới khỏi.

Tương truyền học vấn của Trần Đoàn là do Ma Y đạo giả thời Ngũ Đại truyền cho. Ma Y đạo giả soạn ra có : Chính Dịch Tâm pháp đầu đề là "Hy Di tiên sinh thụ tỉnh tiêu tức" nghĩa là trao cho Trần Đoàn.
Trần Đoàn đem ra chú thích, sách này. Sau có người học trò giỏi là Thiệu Khang Tiết đã nghiên cứu nó mà làm ra Mai hoa dịch số.
_____________________________________
*Trần Đoàn có hiệu là Hy Di, người sáng tác ra "Dịch đồ" cho rằng Bát quái gốc ở Hà Đồ. Ông đã đưa dịch học vào nẻo thuật số. Trần Đoàn đặt ra môn Bát tự Hà Lạc, chuyển can chi ngày tháng năm sinh thành những con số rồi chuyển số thành quẻ để đoán vận mạng con người. Trần Đoàn cũng là người sáng lập ra môn Tử vi đẩu số. Ông rất có uy tín trong giới thuật sỹ thời ấy. Học thuyết của ông sau này truyền cho Thiệu Ưng (tức Thiệu Khang Tiết) đơì Tống. Thiệu Khang Tiết sau này là tác giả cuốn : Mai hoa dịch số. Thiệu Khang Tiết do ảnh hưởng của Trần Đoàn đã vẽ ra đồ Tiên thiên và Hậu thiên bát quái (có lẽ đây là lần đầu tiên hình Tiên thiên và Hậu thiên bát quái được in trên sách và phổ biến) có tính cách đạo thuật. Thiệu Khang Tiết còn ứng dụng thêm môn Tượng số của Kinh Phòng đời Hán, chia các số ra thể số, dụng số, biến số, hoá số, động số, thực số...v.v..chẳng hạn thể số của Thái Dương là 160, của Thái âm là 192, "biến số" của Nhật-Nguyệt, tinh, thần là 17024...thật bí hiểm. Song, ông không lấy Tượng số làm Cứu cách. Cứu cách chính vẫn là đạo và lý, điều căn bản của tượng số. Ông nói : " Có ý thì mới có lời, có lời thì tất có tượng làm cho lời và ý sáng tỏ ". Tượng và số ví như cái đó, cái lưới, lời và ý ví như cá, như thỏ. Được cá được thỏ mà quên đó, quên lưới thì được, chứ bỏ đó, bỏ lưới không dùng mà muốn được cá, được thỏ thì chưa có bao giờ. Và theo Ông: đạo lý là gốc quan trọng nhất. Tượng và số chỉ là những công cụ giúp cho ngôn ngữ biểu tượng ý tưởng dễ nắm được đạo lý. Thiệu Khang Tiết có quan niệm về tượng có chỗ khác với Dịch ví như ông cho Thái Nhu (cực nhu) là nước; Thái Cương, cực Cương là lửa. Dịch cho Thái nhu: Đất (Khôn), Thái cương là núi (Cấn)

** Có một thuyết nói rằng: Vào cuối đời Đường suy vong, giặc giã nổi lên như ong ở khắp nơi, dân tình phải chạy loạn khốn khổ lầm than. Trong đám dân chạy loạn lên núi Hy Di có một người đàn bà gánh một bên là đứa nhỏ, một bên là hành trang. Trông thấy cậu bé thông minh đĩnh ngộ hình hài có vượng tướng đế vương, Trần Đoàn tức khẩu liền đọc câu thơ:

"Chớ tưởng ngày nay không chúa thượng;
Mà đem Thiên tử gánh quang chơi".
Quả nhiên cậu bé ấy sau này làm Vua - Tức Triệu Khuông Dẫn lập ra vương triều Nhà Tống.
__________________________________
Chú thích:
(1) Luật là: tiếng cổ, nay gọi là âm luật hay âm nhạc. Phép này dùng 12 luật Âm Dương, mỗi bên đều là 6. Dương 6 là luật Âm là lã.

(2) Lâm Chung: Âm 6 là Lã - Số 1 là Lâm chung. Vị trí ở cung Mùi. Tháng 6 là quý hạ, âm thanh rõ. Từ hải chú thích: Lâm Chung sinh từ Hoàng Chung, 3 phần bỏ 1, Luật dài 6 tấc. Tháng 6 khi đến thì ứng luật vào Lâm Chung

(3) Hoàng Chung: Dương 6 là Luật. Số 1 là Hoàng Chung. Bắt đầu ở Tý tới Thìn thì Luật tới điểm cao nhất. Hoàng Chung bắt đầu của Luật, dài 9 tấc. Tháng 11 khí Dương đã sinh, nên ứng với luật Hoàng Chung.

(4) Nguyên văn: Tướng địa. Ở Việt Nam quen gọi là "xem đất". Môn khoa học tướng đất còn gọi là Kham dư - Phong thuỷ. Môn này ở Việt Nam có Tả Ao được nhiều người nhắc đến là một người thầy Phong thuỷ, thầy địa lý nổi tiếng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét